Dự báo giá gas tháng 04 năm 2022 - Giá gas làm khó bà nội trợ

Xem nhanh

    Theo TTO - Cùng với giá xăng dầu tăng phi mã, việc giá gas tăng cao và dự kiến sẽ tăng mạnh vào đầu tháng tới, không những làm cho đời sống của người lao động nghèo mà các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống, phần lớn đều dùng gas, cũng gặp rất nhiều khó khăn.

    Sau đợt điều chỉnh vào đầu tháng 3-2022, giá gas đang được sử dụng phổ biến trong các hộ dân đã vượt mức 500.000 đồng/bình 12kg và dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 19.000 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 4-2022, theo dữ liệu ghi nhận vào ngày 3-3.

    Người lao động nghèo gặp khó

    Vừa bật bếp gas chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình, chị Nguyễn Thị Bích Liên (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay giá gas tăng mạnh khiến việc nấu nướng của chị cũng rất dè chừng. 

    Cả gia đình thuê trọ ở TP.HCM đã chục năm nay, thu nhập bấp bênh lại đang nuôi hai con nhỏ nên các khoản chi phí cho cuộc sống như tiền trọ, tiền điện, tiền nước, xăng xe, học phí cho con và cả tiền gas tăng phi mã khiến chị rất áp lực.

    Vì có con nhỏ nên việc nấu nướng rất mất thời gian, mỗi tháng gia đình chị Liên dùng hết hơn một bình gas (loại 12kg). 

    Dù muốn chuyển sang dùng bếp điện để tiết kiệm chi phí, nhưng việc bỏ ra khoản tiền vài triệu đồng để mua mới một chiếc bếp điện là chuyện khó với vợ chồng chị Liên. 

    "Nhiều người bảo tăng có vài chục ngàn, gì mà quá lên nhưng gia đình tui nghèo, ăn uống phải tính từng bữa thì khác", chị Liên nói.

    Từ ngày giá gas leo thang, mỗi lần đi chợ chị Liên phải "vắt óc" để tìm mua những loại thực phẩm dễ chế biến, nhanh chín nhất. 

    "Cứ kiểu này chắc không ổn, trước mắt hai vợ chồng phải dè sẻn hơn, con cái đôi khi cũng ít uống sữa lại may ra đỡ chạy vạy vay mượn bà con", chị Liên kể. 

    Trong khi đó, đã ba ngày qua bà Lê Thị Thắm (47 tuổi, trọ ở quận Bình Tân) không nấu ăn vì nhà vừa hết... gas. Do chỉ có một mình, bà Thắm ăn tạm qua bữa bằng mì gói, bánh mì, bún...

    "Vét sạch trên người cũng chẳng đủ đổi bình gas mới", bà Thắm vừa nói, vừa móc đống tiền lẻ trong túi ra đếm cả thảy được chưa đến 200.000 đồng. 

    Theo bà Thắm, khi đang đi nhặt ve chai ở quận Tân Phú, bà được một hộ dân tặng chiếc bếp gas cũ cùng 300.000 đồng hỗ trợ mua bình gas mới.

    Ở một mình, nếu nấu ăn phải tiết kiệm, một bình gas được bà Thắm dùng đến ba tháng liền mới hết. "Bữa tôi bù đâu đó có mấy chục ngàn là mua được bình lớn rồi, chứ đâu như nay mà đắt dữ vậy", bà Thắm chia sẻ.

     

     

    Chi phí nhiên liệu tăng mạnh

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Thanh Hải - chủ quán bún bò Yến Hương Giang (đường Võ Văn Tần, quận 3) - cho biết giá gas tăng quá mạnh khiến chi phí "đỏ bếp" của quán đội lên cao. 

    Ông Hải nhẩm tính trung bình mỗi tháng quán bún này dùng khoảng 60 bình gas loại 50kg, tháng trước chỉ khoảng 2 triệu đồng/bình, đến tháng 3 đã tăng thêm 175.000 đồng/bình.

    Tính ra, riêng chi phí gas cũng đã đội lên trên 10 triệu đồng/tháng. "Chưa hết, giá các nguyên vật liệu, thịt, rau... cũng đã tăng ăn theo giá xăng, trong khi quán không thể tăng giá bán trong thời điểm khó khăn này, quán chấp nhận lợi nhuận giảm sâu để giữ khách dù thời gian qua lượng khách đã sụt giảm mạnh", ông Hải than.

    Tương tự, bà Dương Mỹ Liên - chủ nhà hàng Hạnh Dung (đường Âu Cơ, quận 11) - cũng cho hay giá gas tăng đã tác động ngay đến bếp ăn của nhà hàng này khi mỗi tuần dùng đến 8 bình gas loại 45kg, nên phải bỏ thêm hơn 1,2 triệu đồng tiền mua gas, mỗi tháng cũng tăng gần 5 triệu đồng.

    Không chỉ giá gas tăng, các mặt hàng liên quan đến vận chuyển đều tăng, rau củ tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, cá biệt có bông cải tăng gấp đôi từ 30.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg, còn các mặt hàng khác đều tăng từ 10-15%. 

    "Giá khí đốt tăng nhưng nhà hàng cũng không thể thay đổi giá trên thực đơn, chấp nhận lời ít, thậm chí huề vốn để cầm cự thời điểm này", bà Liên cho biết.

    Đại diện một nhà hàng tiệc cưới tại TP Thủ Đức cho hay mỗi tháng dùng hơn 200 bình gas loại 50kg, với mức tăng giá gas hiện nay, chi phí mua gas của nhà hàng này đã đội lên 35 triệu đồng/tháng. 

    Theo ông Lê Quang Tuấn - phó giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Thái Bình Dương, các nhà hàng lớn thường lấy từ 150 - 400 bình gas loại 50kg mỗi tháng, chi phí nhiên liệu bị đội lên khoảng 26 - 70 triệu đồng/tháng.

    "Đối với gas công nghiệp, nhiều ngành sử dụng lượng lớn gas chịu tác động như ngành gốm sứ, mạ kẽm, nấu nhôm, sản xuất thép... Tuy vậy, do nhu cầu sử dụng cho sản xuất nên dù giá khí đốt tăng, các doanh nghiệp vẫn nhập", ông Tuấn nói, đồng thời đề nghị Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu nếu giá gas tiếp tục tăng cao cũng như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%.

    Khi giá gas tăng mạnh, người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng bếp điện để giảm chi phí - Ảnh: T.ĐẠM

     

    Theo Tuổi Trẻ Online

    08.1900.0203

    Chat Zalo