Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/9/2023, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới đã giảm 0,53% xuống mức 2,65 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10/2023.
Nguồn cung từ nhà cung cấp lớn của châu Âu bị đe dọa khiến châu lục này có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng khí đốt trở lại.
Thị trường khí đốt châu Âu đang đứng trước áp lực lớn hơn bao giờ hết sau khi gặp cú sốc năng lượng do nguồn cung Nga vào cuối năm 2022. Gần đây, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tiếp tục tăng do xuất khẩu của Na Uy sụt giảm và chạm đáy trong vòng 1 năm, thêm vào đó thị trường khí đốt toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn có thể xảy ra tại các cơ sở xuất khẩu quan trọng ở Úc, gây áp lực lên giá khí đốt toàn cầu.
Giá gas trong nước tháng 9 tăng 33.000 đồng/ bình 12kg (Ảnh: Cấn Dũng)
Na Uy đang cung cấp 1/3 lượng khí đốt sử dụng ở châu Âu. Chính nguồn cung này đã giúp châu Âu có đủ điện để sử dụng sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Đồng thời trở thành nguồn cung lớn nhất của châu Âu thay cho Nga.
Thị trường khí đốt thế giới gặp khó khăn do vấn đề tranh chấp lao động ở Úc - một trong những nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới - có nguy cơ lên đến đỉnh điểm là đình công và hạn chế nguồn cung toàn cầu trong giai đoạn quan trọng khi châu Âu chuẩn bị cho mùa đông.
Điều này đã phần nào gây áp lực đến dòng chảy đến châu Âu từ nhà cung cấp hàng đầu là Na Uy giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm sau khi nguồn cung từ mỏ Troll khổng lồ bị dừng do kế hoạch bảo trì.
Nhà điều hành lưới điện Gassco của Na Uy cho biết, các công trình bổ sung đã được thực hiện tại các mỏ đưa vào mạng lưới Segal, được kết nối với Vương quốc Anh. Thời hạn của việc cắt giảm công suất đã được lên kế hoạch trước đó vẫn chưa rõ ràng.
Giá khí đốt đã tăng khoảng 25% trong tháng này - bất chấp lượng dự trữ cao và nhu cầu yếu - phản ánh sự lo lắng lan khắp thị trường sau cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nếu tình trạng đình công ở Úc vẫn xảy ra, sự gián đoạn có thể buộc người mua châu Á phải cạnh tranh với châu Âu để có được hàng thay thế từ Mỹ hoặc Qatar.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/9/2023, giá gas bật tăng mạnh theo đà tăng của thế giới. Cụ thể, với loại bình gas 12kg tăng 33.000 đồng/bình, tương đương tăng khoảng 2.750 đồng/kg.
Theo đó, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro tăng 124.000 đồng loại bình gas 45kg, 137.500 đồng đối với bình gas 50kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đối với loại bình gas 12kg của hãng này là 444.000 đồng sau tăng giá.
Với Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV gas LPG miền Nam, giá gas của hãng sẽ tăng 2.750 đồng/kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/9, giá bán gas sản phẩm tăng 2.750 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 33.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas 12 kg sẽ được bán ở mức 406.500 đồng.
Công ty Gas Petrolimex Sài Gòn cũng đã tăng 12.000 đồng/bình, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 404.000kg/bình 12kg. Công ty Gas Pacific Petro tăng 12.000 đồng/bình 12kg, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 397.000/bình 12kg.
Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (gas SP) đã thông báo tăng giá bán lẻ 33.000 đồng/bình 12 kg từ 1/9, giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng ở mức 406.500 đồng/bình 12 kg.
Theo các doanh nghiệp, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 9 tăng 90 USD/tấn so với tháng trước đó, lên mức 555 USD/tấn, khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.
Như vậy sau 3 tháng liên tiếp lập đỉnh, mỗi bình gas 12 kg tăng 72.000 đồng, qua tháng 6/2022, bất ngờ quay đầu giảm mạnh 31.000 đồng và tiếp tục giảm 18.500 đồng trong tháng 7. Tuy nhiên, sang tháng 8 và tháng 9, giá gas tiếp tục tăng mạnh trở lại.
Giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Một số yếu tố có thể góp phần vào việc giá gas bao gồm sự gia tăng sản xuất gas, tình hình cung và cầu, cũng như thay đổi trong chính sách và biến động thị trường năng lượng.
Hải Linh - Congthuong.vn